image banner
Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khoa học, kỹ thuật đến Nghị quyết 57: cơ sở vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới

Thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm có quan điểm có tính định hướng về phát triển khoa học, kỹ thuật, mà sau này trở thành tài sản tinh thần vô giá, là “kim chỉ nam” để Đảng, Nhà nước ta hoạch định đường lối, chính sách về phát triển khoa học và công nghệ.


 


 

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963. Ảnh tư liệu: most.gov.vn

 

“Nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng”


Nhận thức sâu sắc đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, với tầm nhìn vượt thời đại, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến phát triển khoa học, kỹ thuật và coi đó là khâu then chốt trong sự nghiệp cách mạng giải phóng và phát triển. Những quan điểm đó vẫn vẹn nguyên giá trị đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta hiện nay.


Thực tế, Bác nói và viết riêng về khoa học, kỹ thuật không nhiều, mà thường gắn với các lĩnh vực khác nhân dị dự hội nghị tổng kết ngành hay nhân dịp đi thăm địa phương và cơ sở, nhưng trong đó ẩn chứa những luận điểm rất cơ bản, quan trọng về vai trò của khoa học, kỹ thuật, về quan hệ giữa khoa học, kỹ thuật với sản xuất, về nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật, về động lực phát triển khoa học, kỹ thuật... nước nhà.


- “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất”


Xác định mục tiêu cơ bản của công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi". (1)
Vì vậy, nhiệm vụ của: “Nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. (2)


- Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài


Để khoa học kỹ thuật đảm đương được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Bác khẳng định yếu tố con người, vấn đề nguồn lực mang tính quyết định. Cho nên phải “ra sức đào tạo cán bộ khoa học”, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong “Bài nói tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam” (ngày 18/5/1963), Bác căn dặn: “Hội còn có nhiệm vụ dạy bảo các cháu thiếu niên về khoa học, kỹ thuật, làm cho các cháu ngay từ thuở nhỏ đã biết yêu khoa học, để mai sau các cháu trở thành những người có thói quen sinh hoạt và làm việc theo khoa học”. (3)


Bác còn đặc biệt coi trọng thu hút lực lượng trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Với tinh thần “kiến thiết thì phải có nhân tài”, năm 1946, khi sang Pháp dự Hội nghị Phôngtennơblô, Bác đã kêu gọi nhiều trí thức Việt Nam trở về nước phục vụ sự nghiệp cách mạng. Theo lời kêu gọi của Bác nhiều nhà trí thức, khoa học đã trở về nước chung vai gánh vác sự nghiệp kiến thiết nước nhà, đó là kỹ sư Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh, là các bác sĩ, trí thức: Trần Hữu Tước, Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm, Lương Định Của, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ…


Đây là vấn đề có ý nghĩa định hướng, chỉ đạo, không chỉ đối với giai đoạn cách mạng trước đây, mà còn có giá trị thời sự trong giai đoạn hiện nay, để Đảng và Nhà nước ta vận dụng việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, đồng thời đề ra những chính sách nhằm thu hút và trọng dụng nhân tài.


- Phổ biến rộng rãi tri thức khoa học, kỹ thuật trong nhân dân


Song song với việc đào tạo cán bộ khoa học, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải biết kết hợp với việc phổ biến rộng rãi những hiểu biết khoa học và kỹ thuật đến đông đảo quần chúng.


Theo Bác, việc tuyên truyền, phổ biến tri thức một mặt là quyền lợi của người dân được thụ hưởng thụ thành quả của khoa học; mặt khác là để nâng cao dân trí, để nhân dân có điều kiện tham gia đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học, kỹ thuật. Do đó, Bác yêu cầu “phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động... Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt”. (4)


- Tiếp thu thành tựu khoa học, kỹ thuật của nhân loại


Bác cũng yêu cầu phải chú trọng đến vấn đề mở rộng quan hệ hợp tác khoa học, kỹ thuật với các nước, tranh thủ học hỏi, áp dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật của thế giới, đó chính là quan điểm “đi tắt, đón đầu” trong khoa học, công nghệ mà chúng ta đang thực hiện.


Theo chỉ đạo của Bác, nhiều học sinh, sinh viên đã được cử đi đào tạo ở các nước có trình độ phát triển cao về khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Ngay từ năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang trong giai đoạn quyết liệt, 21 cán bộ, học sinh đầu tiên đã được Ðảng và Nhà nước ta cử sang Liên Xô học tập. Tại khu rừng Tân Trào ở chiến khu Việt Bắc, Bác đã có cuộc trò chuyện với 21 cán bộ, học sinh và căn dặn: “nên học cái gì thiết thực, dân cần dùng. Học để biết mà dùng, mà áp dụng theo từng hoàn cảnh của ta. Học, dùng phải đi đôi với nhau, nhằm một mục đích phụng sự nhân dân”. (5)


Tiếp thu tri thức khoa học tiên tiến của nhân loại và áp dụng sao cho phù hợp với điều kiện ở trong nước đến nay vẫn là bài học lớn không chỉ trong phát triển khoa học và công nghệ mà ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta hôm nay.


Có thể khẳng định, hiểu và đánh giá đúng về vai trò, sức mạnh của khoa học, kỹ thuật và biết cách phát huy tối đa sức mạnh đó trong sự nghiệp cách mạng chính là cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.

Tiếp thu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển khoa học, kỹ thuật


Tiếp thu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển khoa học, kỹ thuật, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định vai trò quan trọng của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, coi đó là một cuộc cách mạng, “cách mạng khoa học kỹ thuật” và lấy nó làm then chốt của sự nghiệp phát triển đất nước.


Từ năm 1986, khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, khoa học, công nghệ đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần vào sự phát triển nhanh chóng và bền vững của Việt Nam.


Giai đoạn từ năm 2000 đến nay, khoa học, công nghệ được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Năm 2000, Luật Khoa học và công nghệ ra đời, mở đầu cho việc xây dựng các văn bản pháp lý chuyên ngành, như: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao…


Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định phát triển khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu. Văn kiện Đại hội XII (năm 2016) đã đưa khoa học, công nghệ vào mục riêng, nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại và kinh tế tri thức.


Từ năm 2021, Đảng tiếp tục bổ sung nội dung "đổi mới sáng tạo" như một yếu tố đột phá chiến lược. Văn kiện Đại hội XIII (năm 2021) nhấn mạnh phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Và mới đây, ngày 22/12/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo tinh thần Nghị quyết, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xem là “xương sống” của công cuộc hiện đại hóa, góp phần thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.


Bộ Chính trị cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; trực tiếp đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban Chỉ đạo. Điều này khẳng định quyết tâm cao nhất của Đảng, Nhà nước trong phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.


Và chỉ sau 20 ngày Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57.


Đặc biệt, Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngày 13/1/2025 được tổ chức đã kết nối hơn 15.000 điểm cầu trên toàn quốc với hơn 978.500 đại biểu tham dự.


Các sự kiện trên không chỉ khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần đổi mới, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng khoa học và người dân.


Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (13/1/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình, nhưng thách thức cũng vô cùng to lớn. Chúng ta phải quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không để lỡ thời cơ thêm lần nữa. Tôi kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thành công các nhiệm vụ, đưa Nghị quyết 57 nhanh chóng vào cuộc sống, xây dựng một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn. Lãnh đạo các cấp cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; các nhà khoa học, doanh nghiệp hãy cống hiến, sáng tạo; người dân cần đồng hành, học hỏi, nâng cao kỹ năng số”.


Như vậy, kể từ khi Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước đến nay, vai trò, vị thế của khoa học, công nghệ có nhiều bước tiến lớn, đột phá và đều hướng tới phát triển đất nước nhanh và bền vững.


Thực tế cho thấy, trong gần 40 năm đổi mới, khoa học, công nghệ đã có những đóng góp thiết thực cho mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội. Những công trình lớn đều mang dấu ấn của khoa học, công nghệ và làm thay đổi diện mạo đất nước, có thể kể đến các công trình, như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Thủy điện Sơn La, Đường dây 500 kV Bắc-Nam, các công trình dầu khí và hạ tầng hiện đại như cầu, đường, sân bay…


Cùng với đó, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đã tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào GDP. Nếu như giai đoạn 2001-2010, TFP chỉ đạt 4,3%, thì đến giai đoạn 2016-2020, con số này đã tăng lên 45,2%. Đây là minh chứng rõ nét cho sự đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế.


Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam cũng liên tục được cải thiện. Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).


Đặc biệt, trong các kết quả nổi bật của các ngành, lĩnh vực, có thể thấy có sự đóng góp quan trọng của khoa học, công nghệ. Điển hình như trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học, công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các chương trình sản phẩm quốc gia, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen... được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu và cải thiện đời sống nông dân.


Trong lĩnh vực y tế, Việt Nam đã làm chủ nhiều công nghệ hiện đại như ghép tạng, tế bào gốc, sản xuất vaccine, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng…


Có thể khẳng định, những thành tựu về khoa học, công nghệ trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã khẳng định sự đúng đắn về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển khoa học, công nghệ, là sự nỗ lực chung của toàn hệ thống chính trị với sự tham gia và phối hợp tích cực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân. Đó cũng là cơ sở vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới./.
 


Theo TTXVN


(1), (2), (3), (4): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 14, tr. 97, 99
(5):Nhớ lời Bác Hồ dặn học sinh khóa đầu sang Liên Xô học tập, Báo Nhân dân điện tử, ngày 18-5-2005

https://hdll.vn//vi/nghien-cuu---trao-doi/tu-quan-diem-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-khoa-hoc-ky-thuat-den-nghi-quyet-57-co-so-vung-chac-de-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-phat-trien-moi.html

Admin
Tin liên quan
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement 
image advertisement
image advertisement  
TIN MỚI NHẤT
Thăm dò ý kiến
Đánh giá Cổng TTĐT Kiến An
  • Bình chọn Xem kết quả
    • Đang online: 0
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 0
    • Trong tháng: 0
    • Trong năm: 0