Trước ngày 31/12/2024 các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đồng loạt triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Thực hiện truyền thông, phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tầm quan trọng của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày 14/8/2024, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Văn bản số 1857/UBND-MT về việc truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường trong công tác phân loại rác thải sinh hoạt, trong đó, tập trung vào các nội dung cụ thể sau:
Giao Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân theo nguyên tắc được quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường để trước ngày 31/12/2024 các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đồng loạt triển khai thực hiện phân loại CTRSH, gồm:
(1) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế;
(2) Chất thải thực phẩm;
(3) CTRSH khác.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng tài liệu phổ biến kiến thức pháp luật về phân loại CTRSH được đăng tải tại đường dẫn: https://shorturl.at/YYWpk, bao gồm:
1. Bộ nhận diện CTRSH phục vụ cho công tác phân loại CTRSH.
2. Phim hoạt hình hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH.
3. Phóng sự về công tác phân loại CTRSH tại một số địa phương.
Trong đó, tập trung hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023.
Tại đô thị, hộ gia đình, cá nhân phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại vào các bao bì để chuyển giao.
- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.
- Chất thải thực phẩm được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
- Chất thải rắn sinh hoạt khác được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.
Tại nông thôn, sau khi phân loại, hộ gia đình, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện quản lý như sau:
- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.
- Chất thải thực phẩm được khuyến khích tận dụng tối đa để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.
- Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.
Hướng dẫn nhận diện và phân loại chi tiết chất thải rắn sinh hoạt theo các nhóm đối tượng:
- Nhóm 1: Chất thái có khả năng tái sử dụng, tái chế: Thuỷ tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ.
- Nhóm 2: Chất thải thực phẩm: Thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn,...; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản.
- Nhóm 3: Chất thải rắn sinh hoạt khác.
https://pbgdpl.haiphong.gov.vn/Tin-tuc-noi-bat/Truoc-ngay-31122024-cac-dia-phuong-don-vi-tren-dia-ban-thanh-pho--dong-loat-trien-khai-thuc-hien-phan-loai-chat-thai-ran-sinh-hoat-150936.html