Phường Kiến An tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc phòng chống cơn bão số 3 (WIPHA)
Sáng ngày 20/7, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống cơn bão số 3 (WIPHA)

Quang cảnh hội nghị trực tuyến Chính phủ
Dự hội nghị tại điểm cầu phường Kiến An có: đồng chí Nguyễn Phong Doanh – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND phường; đại diện lãnh đạo một số phòng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị liên quan.

Quang cảnh tại điểm cầu phường Kiến An


Các đại biểu phường Kiến An tham dự hội nghị
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, bão số 3 (WIPHA) là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, gây mưa rất to, gió lớn, trùng với với thời điểm thuỷ triều lên, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh từ Quảng Ninh đến phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh. Tính đến 9 giờ sáng nay, các lực lượng chức năng và các địa phương đã liên lạc, thông báo cho toàn bộ 55.000 phương tiện tàu thuyền khai thác thuỷ sản biết thông tin về cơn bão để chủ động phòng tránh an toàn. Đối với 150.000 ha nuôi trồng thuỷ sản, 20.000 lồng bè, gần 4.000 chòi canh trên biển và khoảng 650 ngàn ha lúa mới cấy đang được các địa phương tích cực triển khai các biện pháp phòng chống nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại đến sản xuất.



Các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, tại hội nghị, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đã báo cáo tình hình, thảo luận các phương án phòng chống cơn bão số 3 để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và cơ sở hạ tầng trọng yếu khi bão đổ bộ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chia sẻ những thiệt hại, mất mát với các gia đình có người thân bị thiệt mạng do lật tầu du lịch sau trận giông lốc chiều qua tại tinh Quảng Ninh. Đối với công tác phòng chống bão số 3, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của cơn Bão để có các giải pháp ứng phó kịp thời; rà soát lại các phương án phòng chống bão sát với thực tế, phân công các đồng chí lãnh đạo địa phương phụ trách theo từng địa bàn, khu vực, tập trung tại các khu vực xung yếu để có các chỉ đạo phòng chống bão kịp thời; thường xuyên thông tin đầy đủ về cơn bão để người dân không chủ quan, mất cảnh giác; xem xét thời gian cấm biển phù hợp diễn biến của cơn bão để đảm bảo an toàn; dự báo diễn biến của bão và các tác động của cơn bão, xác định được các khu vực trọng điểm, xung yếu để có phương án ứng phó, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa bão gây ra; khẩn trương di dời các lồng bè, người dân trên các bè nuôi về nơi an toàn; tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng liên quan trong phòng chống bão; chủ động ứng phó với cơn bão theo phương châm “4 tại chỗ”; các địa phương chủ động phương án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho học sinh trong những ngày có mưa bão.